[Review] – Lesson of Evil : Máu, kẻ tâm thần, và … .

” A combination of Kokuhaku ( Confession) and Battle Royale”

lesson-of-the-evil

LESSON OF EVIL

Là một lựa chọn liều lĩnh của mình tuần này, vì mình không thực sự xem (hết) nhiều bộ phim kinh dị và cũng không hoàn toàn hứng thú đến nhảy cẫng lên trước ý nghĩ xem một bộ phim thể loại này ( thật ra thì mình nhát cáy..). Nhưng sau khi xem trailer của Lesson of Evil của đạo diễn Takashi Miike, mình đã bị thuyết phục.

Nhìn vào tên phim hẳn bạn cũng đã phần nào hình dung ra được nội dung của nó. Lấy bối cảnh học đường, một bối cảnh được khai thác rất nhiều lần với nhiều góc độ và vấn đề khác nhau, Lesson of Evil là một hỗn hợp của sự điên loạn và kịch tính. Một gã đàn ông mắc bệnh tâm thần, bước vào con đường giết người hàng loạt tinh vi từ khi chỉ mới 14 tuổi, nay bước vào một ngôi trường với vai trò là giáo viên Tiếng Anh. Thực tế thì đây không phải là ngôi trường đầu tiên của Hatsumi. Hắn rời trường Kitahara sau khi ba vụ án mạng ‘tình cờ diễn ra’  tại nơi đây. Ở ngôi trường mới, một câu chuyện đẫm máu dần dần thành hình.

Khác với những tên sát nhân trần trụi vô học và thấp kém,  ‘thầy’ Hatsumi thoạt nhìn qua là một người trí thức, hiểu biết rộng và cực kì thông minh. Hatsumi với vẻ ngoài bảnh trai, đứng đắn đã trở thành một chỗ dựa tin cậy cho các học sinh của mình, là người giúp đỡ chúng khi chúng gặp khó khăn. Nhưng rồi bộ mặt của hắn dần dần được bóc mẽ. Ở ngay những phút đầu của Lesson of evil, một giai điệu jazz cũ kĩ vang lên và cũng mở ra vụ giết người đầu tiên của tên sát nhân máu lạnh. Có một điểm rất đặc trưng của Hatsumi, đó là từ khi còn bé, hắn đã rất thích trạng thái trần trụi; sẽ có rất nhiều cảnh phim Hatsumi đi lại quanh căn nhà bừa bộn đổ nát của mình không một mảnh vải che thân, với ánh sáng lướt qua những phần da thịt giữa rất nhiều mảng tối đen kịt. Hatsumi trong Lesson of Evil có khác với những đa số những kẻ giết người khác, hay với cả tên cộng sự trong quá khứ của hắn thì đó là do đối với Hatsumi, giết người không phải là phương tiện giải trí, hay công cụ để trả thù. Nó là một nhiệm vụ từ Odin- đấng tối cao, là sứ mạng mà hắn cần thực hiện để tiêu diệt những thứ hắn cho là tiêu cực diễn ra trong trường học. Vừa nãy mình có nhắc đến một điệu nhạc jazz cổ điển vang lên ngay từ đầu bộ phim, đó chính là giai điệu của bài hát ‘sát nhân’ Die Moritat von Mackie Messer ( tiếng Đức), hay Mack the knife ( bản tiếng Anh). Sự lựa chọn bài hát này rất hoàn hảo và phù hợp với cách xây dựng nhân vật tên tâm thần Hatsumi:

“And the shark, it has teeth,

And it wears them in the face.

And Macheath, he has a knife,

But the knife can’t be seen.”

Cái tính khát máu và điên loạn của Hatsumi rải máu lên từng thước phim, lại càng nổi bật hơn dưới lời nhạc của bài hát ám ảnh này. Đặc biệt là, càng về sau của Lesson of Evil, tần suất xuất hiện của máu càng nhiều. RẤT RẤT NHIỀU. Cộng thêm vào cả tiếng súng săn inh tai, thì cảnh giết chóc khá ‘ đã ‘ và kích thích được các giác quan của người xem, nhưng sẽ có nhiều lúc khiến bạn nhăn mặt khi chứng kiến quá nhiều cái chết trực tiếp diễn ra ngay trước mắt mình như vậy.

evil-e1342706937237

Bộ phim Lesson of Evil đụng tới khá nhiều vấn đề cùng một lúc xuyên suốt diễn biến phim, nhưng chỉ là phớt qua để điểm mặt chứ không thực sự đào sâu tập trung vào một thứ nên có cảm giác những chủ đề được nhắc đến về thực tế khá phức tạp và nặng nề nhưng trong phim thì lại không có vẻ như vậy. Để kể ra thì có : quấy rối tình dục học sinh, đồng tính, bắt nạt, quay cóp bài…Điều này cũng diễn ra ở cách xây dựng nhân vật, khi đạo diễn giới thiệu khá nhiều nhân vật đan xen nhau nhưng chỉ có 2,3 nhân vật được xem là chính và thứ chính ( mình ban đầu còn hay lẫn lộn giữ Matsahiro và Keisuke) -> những người còn lại chủ yếu là thêm sắc màu cho sự chết chóc diễn ra ở đỉnh điểm của phim. Có ba nhân vật mình muốn nói thêm tí. Mình có cảm giác Keisuke có thể đã không gặp số phận như vậy nếu cậu đủ tỉnh táo để suy nghĩ kĩ về những hành động của mình trước khi thực hiện chúng, vì cậu đã quá cảm tính và để sự kích động của chính bản thân mình đánh gục. Còn cái cậu Kengo mọt sách chết rất…lãng xẹt và nói thẳng ra là quá ngu ngốc so với hình tượng ‘có trí óc’ của mình khi mà tên khỉ này hoàn toàn có thể sống sót đến cuối phim. Nhưng kể ra để cái tên khốn cứng nhắc này sống thì cũng không phải phép lắm, nên thôi mình nghĩ cậu ta chết như thế vậy cũng là được rồi..Cuối cùng là mình không hiểu lắm về phân cảnh của bạn Miya ở ngay phút cuối của bộ phim, đến giờ vẫn không hiểu lắm..

securedownload

Với bối cảnh là học đường, Lesson of Evil không chỉ muốn tập trung vào cuộc thảm sát máu me tàn khốc ( dù nó sẽ khiến nhiều người chỉ nghĩ đến máu khi nhắc đến bộ phim này) mà còn muốn đề cập tới những thứ khác đằng sau nó. Rõ ràng nếu giảm độ ‘điên’ của tên Hatsumi xuống 3/4 thì chúng ta có thể liên kết việc giết người để giải quyết các vấn đề tiêu cực ở lớp là là một dạng thổi phồng của quyền kiểm soát quá mức của người lớn đối với học sinh. Có một cảnh ở nửa sau của phim khi Hatsumi bảo rằng:

“United we stand. Divided we fall. Haven’t I taught you that?”

Thực tế là, những điều giá trị mà những học sinh trong Lesson of Evil học được lại là học được từ nhau, chứ không phải là từ trường lớp thầy cô. Bộ phim tuy có vẻ hơi lệch khi để cho hình tượng cuồng sát của Hatsumin lấn át những giá trị hay “Bài học” ( như trong tựa đề tuyên bố) mà nó muốn hướng đến. Nhưng xét chung, đây là một bộ phim thể loại thriller đáng xem một lần, nó thực sự khiến mình phải rùng mình và cảm thấy bềnh bệnh khi xem xong. Tuy nhiên, nếu các bạn đã từng xem, “Three..extremes”, “Audition”…và cảm thấy không hợp thì mình nghĩ là Lesson of Evil không phải là bộ phim dành cho bạn, vì ba bộ phim này đều từ cùng một đạo diễn xD

Chúc các bạn một tuần mới vui vẻ, và bộ phim của tuần sau mà mình review sẽ không là một bộ phim kinh dị 😉

-Đù-

Lesson_of_the_Evil-0004